Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

KỲ TÍCH VIÊN ĐẠN LÉP

KỲ TÍCH VIÊN ĐẠN LÉP

DSC01009

Kỳ tích viên đạn lép

Thời kháng chiến chống Pháp, thương binh đặc biệt Lê Thống Nhứt vẫn được bạn bè đặt cho biệt danh “xạ thủ phát một” bởi tài bắn súng cự phách và sự liều lĩnh, gan góc của ông. Bây giờ, mỗi lần có dịp ghé đường Hồ Hảo Hớn, quận 1, TP Hồ Chí Minh thăm người trinh sát đặc công từng khiến Tây khiếp vía, bạn bè vẫn không quên nhắc lại những chiến tích lừng lẫy của ông. Và quên sao được kỳ tích viên đạn lép năm nào…

Lê Thống Nhứt là cái tên mà ba nuôi – một người tù chính trị vượt ngục Côn Đảo- đặt cho ông. Đất nước thống nhất, non sông thành một dải là ước vọng bấy lâu của ba nuôi, của Nhứt và của cả dân tộc. Thấy cậu bé mồ côi cha theo học võ thiếu lâm sáng dạ, học đâu giỏi đấy, ba nuôi cho cậu vào đội du kích Gò Quao (Kiên Giang). 15 tuổi, Nhứt đã được thưởng cây súng Kalip 16 bởi mới vào đội du kích, Nhứt đã lập công lớn. Lần ấy giặc đi càn. Với nhiệm vụ làm liên lạc, Nhứt được phân công đi báo tin cho bộ đội. Trên đường, Nhứt chưa kịp đến nơi thì đã nghe tiếng bước chân của địch ngày càng một gần. Nhứt nhanh chân trú ẩn vào đám cỏ lác bên đường. Thấy động, bọn giặc xả súng xối xả để thị uy. Lúc này, Nhứt nằm im chờ giặc đi qua, cậu nghe rõ tiếng chúng nói với nhau “Không có Việt Minh”. Đợi cho giặc đi khỏi cậu bé vừa nhảy chân sáo trên đường, vừa lượm vỏ đạn. Thấy Nhứt vẫn bình an vô sự, lại mang về cái mũ toàn vỏ đạn còn nóng hổi, các anh chị trong đội du kích vừa xoa đầu Nhứt vừa chửi: “Thiệt cái thằng gì mà gan quá!”. Được phát súng, nhờ lanh lẹ, thông minh, Nhứt học rất nhanh, tài bắn súng ngày càng thiện nghệ. Bắn đâu trúng đó, chỉ phát một.

Năm 1951, Lê Thống Nhứt trở thành một trong những chiến sĩ trinh sát đặc công đầu tiên của tỉnh Cần Thơ khi ông tham gia chiến đấu tại tổ Trinh sát đặc công, Đại đội 1085, thuộc Liên trung đoàn 22-24. Vùng đất Phong Điền khi đó được gọi là khu tử địa, nơi ta và địch giành giật từng tấc đất, ngọn cỏ. Giặc Pháp liên tục càn quét và khủng bố khốc liệt. Ngày ngày, thấy tàu giặc ngang nhiên lượn lờ, đánh phá cảng Phong Điền, Nhứt tức không chịu được. Ông quyết phải cho bọn chúng một phen mất mật bằng cách ẩn mình vào lau lách dưới nước và xả súng từ mé bờ này sang mé bờ kia khi chúng đổ bộ. Nhứt biết sức mình không thể đọ nổi hàng trăm tên địch nên lần nào anh cũng chỉ nhằm tên chỉ huy hay trinh sát mà bắn. Bắn xong là thoát nhanh chóng, lẹ làng như con rái cá. Chính kiểu bắn hiểm hóc ấy mà quân địch khiếp sợ mỗi khi cho tàu cập cảng.

Đến nay, khi gặp lại Lê Thống Nhứt, những đồng chí lãnh đạo thuộc cơ quan đầu não cách mạng của Cần Thơ ngày ấy thường nắm chặt bàn tay cụt ngón, cảm ơn tiếng súng năm 1951 của ông. Tiếng súng được xem là kỳ tích bởi tạo nên nó là một viên đạn lép.

Lúc bấy giờ, bộ đội và các cơ quan đoàn thể cách mạng của Cần Thơ rút về đóng ở rạch Trà Niềng bé, huyện Ô Môn. Có người chạy vào báo với đại đội phó: “Có Tây vô rạch Trà Niềng bé, chắc chúng tính bắn dọn đường”. Đại đội phó Phan Hữu Danh thắc mắc: “Sao Tây vô mà không có tiếng súng?”. Nghe vậy, Lê Thống Nhứt xung phong xin đi tìm hiểu tình hình. Nhưng lúc đó không có súng. Anh Bảy chèo xuồng cho đại đội phó bảo dưới xuồng có cây súng Tây lạc hậu, dùng để bắn chim. Ông xuống xuồng, nhét vội cây súng gỉ sét và ba viên đạn ướt rồi nhanh chóng đến rạch Trà Niềng bé. Đến nơi, ông vội núp sau cái miếu thờ thổ thần, được đắp cao bằng chén, chậu đất vỡ, cỏ lau mọc um tùm. Phía trước, cách 30 mét, tên chỉ huy người Pháp to con cởi áo trần trùng trục và đám lính đang ngồi nghỉ ngơi. Lê Thống Nhứt đưa súng lên ngắm bắn. Mục tiêu là cái khóa thắt lưng ngay bụng. Ông nhẩm đếm: Một… hai… ba. Súng không nổ. Hóa ra viên đạn lép. Ông vứt bỏ. Viên thứ hai. Lê Thống Nhứt liếm môi: Một… hai… ba. Lại không nổ. Lần này viên đạn cũng lép nhưng có khả năng nổ được. Ông đút vội viên đạn vào túi áo. Viên thứ 3. Tách. Không nổ. Vừa hạ xuống thì … “đùng”. Viên đạn lao thẳng xuống nước. Nghe động, tên chỉ huy thoáng giật mình. Nhưng hắn lại lẳng lặng ra hiệu cho đám lính đứng dậy lên đường. Đoán biết giặc đang đột kích, không muốn nổ súng sợ bị lộ, ông chạy theo bắn chặn đường chúng. Phục sẵn bên đường, lần này Lê Thống Nhứt nhắm vào ba tên trinh sát đi trước. Hai tên mang súng trường, một tên mang tiểu liên. Ông quyết định ngắm bắn tên mang tiểu liên. Chỉ còn duy nhất viên đạn lép trong túi áo, ông đánh liều tra vào súng… Hồi hộp bóp cò…

Đùng!

Tên địch chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi gục ngay trên đường. Bọn giặc chạy tán loạn, đạn, bom dội ầm ầm. Viên đạn lép đã nổ. Nghe tiếng súng, biết địch sắp mở đợt tấn công, quân ta và các đồng chí lãnh đạo đã nhanh chóng sơ tán đến địa điểm an toàn. Tiếng súng ấy đã phá hỏng âm mưu địch, bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não cách mạng của Cần Thơ.

Bài và ảnh: QUỲNH NGA

Chú thích ảnh:

Thương binh đặc biệt Lê Thống Nhứt (người chống nạng) trong dịp gặp gỡ học sinh, sinh viên. (ảnh do nhân vật cung cấp)

 

GIỚI THIỆU BẢN THÂN

saigontheky21
Xem hồ sơ hoàn chỉnh của tôi

NHỮNG BÀI ĐĂNG

Không có nhận xét nào: