Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

3 bài gửi từ mail A Vũ Hữu Chính PCT DHVV PN Bài số 1 VỀ PHƯƠNG PHÁP KHẢO CỨU LỊCH SỬ DÒNG HỌ+Bài số 2 Về bản gia phả chữ Hán của Vũ Phạm Hàm MỘNG HỒ GIA TẬP 夢湖家集+Bài số 3 NHÂN VẬT LỊCH SỬ VŨ HỒN QUA CÁC BẢN TỘC PHẢ HỌ VŨ LÀNG MỘ TRẠCH

      


CÓ 3 NỀN VĂN HOÁ LỚN HIỆN NAY
TỰA VÀO 3 MỆNH ĐỀ LỚN SAU
1-NỀN VĂN HOÁ “KINH THÁNH” MỌI MUÔN VẬT
    ĐỀU DO THƯỢNG ĐẾ TRỜI ĐẤT SINH RA
2- NỀN VĂN HOÁ “KINH DỊCH” TẤT CẢ MỌI THỨ
     ĐỀU DO ÂM DƯƠNG MÀ HÌNH THÀNH
3- NỀN VĂN HOÁ “DARWIN . MARK . LENIN” TẤT CẢ
    MỌI THỨ,MỌI SỰ VIỆC PHẢI CÓ THỜI GIAN TIẾN
    HOÁ MÀ HÌNH THÀNH
*       
      
- NỀN VĂN HOÁ VẬN CHUYỂN NỀN
   KINH TẾ QUỐC GIA VÀ THẾ GIỚI
*      - CÁC NỀN VĂN HOÁ ĐƯỢC LAN TRUYỀN
  TỪ CÁC TÔN GIÁO
- TỪ KHI THUYẾT NGUYÊN TỬ RA ĐỜI
   CHỨNG MINH ÁNH SÁNG LÀ VẬT CHẤT











3 bai gửi từ mail A Vũ Hữu Chính PCT DHVV PN
Bài số 1 VỀ PHƯƠNG PHÁP KHẢO CỨU LỊCH SỬ DÒNG HỌ

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi

1.      Dựng nước và giữ nước là sự nghiệp của “thần dân trăm họ”, vậy thì ngọn nguồn của dòng họ rất có thể cũng bắt đầu từ thuở xa xưa ấy. Từ thời xa xưa ấy ở nước ta chỉ còn lại truyền thuyết, thần tích, một số lời truyền. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng các “tài liệu” này hoàn toàn hoang đường. Truyền thuyết nào “hoang đường” hơn truyền thuyết về thời Hùng Vương, được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư ở cuối thế kỷ XV? Phải hơn 5 thế kỷ sau, từ khoảng những năm 60 của thế kỷ XX, ngành khảo cổ học Việt Nam mới chứng minh được rằng triều đại Hùng Vương với 18 đời vua là có thật. Có nghĩa là truyền thuyết và thần tích có thể phản ánh sự thực lịch sử. Bởi vậy13 năm trước đây, năm 2001, trong một tham luận khoa học tại hội thảo “Gia phả Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại”, chúng tôi đã đề xuất: “các truyền thuyết, sự tích về dòng họ nên sưu tầm”; đồng thời cũng cảnh báo rằng đó là “chỉ những tài liệu tham khảo”, trong việc nghiên cứu lịch sử dòng họ, bởi nếu “chỉ dừng ở một truyền thuyết về nhân vật có niên đại cổ nhất… e rằng hành trình về nguồn cũng sẽ đi vào đất huyền thoại”. Vậy phải làm gì?

2.      Phải đi tìm chứng tích để phân tách phần sự thực lịch sử với phần “sáng tác”, hoang đường trong các truyền thuyết, thần tích. Chính sử không ghi lại được thì phải đi tìm chứng tích “không chính thống” trong dân gian, trong lời truyền khẩu của các dòng họ, trong truyện dân gian, ca dao, hò vè, trong cả các thành ngữ, tục ngữ, địa danh cổ… tức đi điền dã. Tài liệu điền dã này cần đem đối chứng với nhau, đối chứng với những sự thực có ghi trong chính sử , cổ phả, bi ký mộ cổ. Chúng tôi đã mò mẫm mười lăm năm đi theo con đường mòn này nhằm chứng minh hồi đầu thế kỷ XIX, tại Hà Nội từng tồn tại một tổ chức văn hóa - xã hội phi chính thống là Hướng Thiện hội đền Ngọc Sơn. Do Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800 - 1851) rồi Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) đứng đầu. Hội này tập họp “Nho sĩ bình dân” (chúng tôi mượn thuật ngữ của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện), trong làng xã, vốn ngấm ngầm đối lập với triều Nguyễn, liên kết với thương nhân trong phố phường, cả một số binh sĩ và quan chức địa phương – như các bia hiện vẫn còn trong đền Ngọc Sơn cho biết, hoạt động rất hiệu quả trong công cuộc chấn hưng văn hóa - giáo dục Thăng Long - Hà Nội, đã suy đồi nghiêm trọng sau cuộc nội chiến khốc liệt Tây Sơn - Nguyễn Ánh. Nhờ những hoạt động của Hội, đến khoảng giữa thế kỷ XIX Hà Nội, như nhận xét của một ký giả nước ngoài, tuy không còn là kinh đô, đã vươn lên đứng đầu cả nước về kinh tế, giáo dục và văn hóa. Tuy nhiên trong bộ sử Đại Nam thực lục đồ sộ của Quốc sử quán triều Nguyễn, không có nửa chữ về Hướng Thiện hội và những hoạt động của nó. Tại hội thảo quốc tế ở Aix-en-Provence (Pháp) tháng 5/2007, sau khi nghe báo cáo của tôi về hội Hướng Thiện Ngọc Sơn như một cội nguồn văn hóa - xã hội của phong trào Duy tân - Đông Kinh nghĩa thục hồi đầu thế kỷ XX, một học giả Pháp cho tôi biết rằng tôi đã đi đúng phương pháp của trường phái gọi là microhistoire (tạm dịch là vi lịch sử, dã sử), hình thành ở Ý, lan sang Pháp, Đức rồi cả Mỹ. Ông còn nói với tôi rằng: mọi chính sử đều có phần xuyên tạc lịch sử và bỏ sót, cần có microhistoire để đối chứng. Vậy thì microhistoire có thể là một phương pháp hữu hiệu trong công cuộc khảo cứu lịch sử dòng họ. Vấn đề là điền dã theo hướng nào?

3.      Trong lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, ta đã nhiều lần mất nước, nhưng chưa một lần mất làng, nên cuối cùng lại lấy lại được nước. GS Keith Taylor vốn là một người lính viễn chinh Mỹ trong cuộc chiến vừa qua ở Việt Nam. Một câu hỏi luôn day dứt người lính Mỹ này: những người Việt đã dám đối đầu với chúng ta, họ xuất xứ từ đâu? Hết hạn quân dịch, về nước anh lính Mỹ vào khoa sử, tốt nghiệp đại học, bảo vệ luận văn thạc sĩ, rồi tiến sĩ – đều về sử Việt Nam. Trong công trình trên cơ sở luận án tiến sĩ “The Birth of Việt Nam” (Sự ra đời của Việt Nam) mà các sinh viên Mỹ học tiếng Viêt, sau khi nghe tôi giảng về văn hóa Việt Nam, đã viết thư cho thày Keith Taylor của mình, xin ông gửi sang 1 cuốn để tặng tôi, ông Giáo sư Mỹ viết, đại ý: người Việt sau “lò lửa” (chữ của Taylor) nghìn năm Bắc thuộc, dẫu có khác trước, song vẫn là người Việt, vì hai lẽ: 1) tiếng Việt còn, 2) làng xã Việt còn
Đặc điểm của dòng họ Việt Nam, khác với “cửu tộc” Trung Hoa, là quan hệ hữu cơ với làng xã Việt trồng lúa nước. Người Việt coi trọng láng giềng, làng xã hơn tộc họ. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Quả vậy, ông láng giềng không cho dẫn nước qua đất nhà ông ấy để cấy lúa, thì anh em xa có đông đảo bao nhiêu cũng bó tay! Do đó hướng làm việc điền dã trong khảo cứu lịch sử dòng họ, là: gắn liền việc về nguồn dòng họ với lịch sử phát sinh và phát triển làng xã. Các quyển gia phả cổ bao giờ cũng đề tên làng là vì vậy, chẳng hạn Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích … Vậy thì phải tìm về quê cha đất tổ, tức làng quê gốc của mình mà khảo sát điền dã, nếu từ đó đã thiên đi tứ xứ, thì cũng phải đi tứ xứ mà tìm, không còn hướng đi nào khác đâu. Sinh thời, nhà văn hóa lớn Hoàng Đạo Thúy đã có lần gợi ý chúng tôi vẽ không chỉ cây phả hệ mà cả bản đồ thiên cư của dòng họ. Công phu lắm! Và có thể lần tìm khắp nơi khắp chốn mà chẳng thấy gì! “Có sao đâu! – tôi đã viết trong tham luận tại cuộc Họp mặt dòng họ Vũ-Võ lần thứ IV, Hà Nội 24/11/2002: - Bởi chính ước vọng tầm nguyên thôi thúc tôi và anh đến với nhau, rồi nếu thành tương đắc thì dắt tay nhau lội ngược dòng thời gian mịt mờ đi tầm tông vấn tổ: ý nghĩa văn hóa lớn lao chính ở trong quá trình tầm nguyên rồi” – như vế đối tiến sĩ Vũ Tông Phan viết trên cột hoa biểu chính giữa cổng đền Ngọc Sơn: “Tầm nguyên phỏng cổ thử trung vô hạn phong quang” (Truy tìm cội nguồn, học hỏi cổ xưa, trong việc ấy vô hạn ánh sáng phong văn). Ông Nghè họ Vũ, về cuối đời, năm 1848, vì bất mãn với triều Nguyễn anh em, quần thần phe cánh thanh toán nhau trong khi họa ngoại xâm đã sờ sờ trước mắt (năm 1847 pháo hạm Pháp nổ súng bắn chìm 7 tầu đồng của thủy quân triều Nguyễn ở cửa biển Đà Nẵng), nên đã dời trường Hồ đình dưới gốc đa bên hồ Gươm (nay là Tòa soạn báo Nhân Dân) về ẩn dật ở làng Kim Giang trên sông Đáy thuộc trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Hoài Đức – Hà Nội). Tại đây ông đã ngao du nhiều, bắt gặp các địa danh của xứ Hải Dương như Đường An (tên cổ của huyện Bình Giang ngày nay), Đào Xá (tên xã, nay vẫn còn ở huyện Bình Giang), nên trong bài thơ cảm hoài một đêm câp thuyền bến Đường An trển sông Đáy bất giác tự vấn về nguồn gốc các địa danh ấy cùng sự thiên di của cư dân xứ Hải Dương xưa:

Tôi người đất Đường An Đông Hải,
Đường An Nam Sơn ghé đêm nay,
Biết đâu năm trăm năm về trước
Người đất quê tôi dời tới đây?
Vời vợi dấu xưa tìm chẳng được,
Thâu đêm canh cánh giấc không say,
Mông lung đáy mắt chong thao thức,
Thấu sao mờ mịt ý cao dày?

(Vũ Tông Phan - Đường An dạ bạc ngẫu hoài)

Bài số 2 Về bản gia phả chữ Hán của Vũ Phạm Hàm
 MỘNG HỒ GIA TẬP 夢湖家集

1. Xuất xứ của tư liệu
Gia phả là loại thư tịch “tam sao thất bản” nhiều nhất, đặc biệt từ đời Tự Đức trở đi, khi noi gương “tập đại toàn” của triều đình, người ta bắt đầu “hợp biên” tộc phả, thêm thắt, móc nối, tô vẽ để tôn vinh tổ tiên, làm sai lệch hiện thực lịch sử các dòng họ Việt Nam, vốn dĩ đã phức tạp[1]. Bởi vậy trước khi khai thác, sử dụng loại tài liệu này, nhất thiết phải thẩm định văn bản về lai lịch, tác giả, niên đại[2].
Trong trường hợp Mộng Hồ gia tập chúng tôi đã gặp may. Khi mang bản photocopy quyển tộc phả do Thám hoa Vũ Phạm Hàm soạn bằng chữ Hán, đến nhờ chúng tôi dịch sang tiếng Việt, ông Phạm Vũ Úy, hậu duệ của dòng họ này, cho biết rành mạch: bản gốc của bộ tộc phả Phạm - Vũ làng Đôn Thư huyện Thanh Oai, do chính cụ Thám Hàm biên soạn năm 1888, đã mất tiêu trong Cải cách ruộng đất, vì toàn bộ thư viện quý giá hàng ngàn quyển của gia đình Cụ bị đội CCRĐ đem trưng bày ở chợ Chiều để  “lên án địa chủ phong kiến”. Bản ông Úy cung cấp, không phải là bản biên tập lại mà là bản sao từ bản gốc, do con trai thứ hai của cụ Thám hoa là ông Vũ Phạm Thảng, người giữ việc thờ cúng, thực hiện năm 1930, tức từ 25 năm trước biến cố trên, về sau “bằng một cách nào đó” được gửi vào viện Viễn Đông bác cổ trước năm 1943, là năm cụ Thảng mất. Theo sự tìm hiểu của chúng tôi về gia phả học Việt Nam, khoảng những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, Viễn Đông Bác Cổ có chủ trương sưu tầm các phả cổ. Chẳng hạn, năm 1942, cụ Trần Văn Giáp, thành viên của cơ quan khoa học này, đã về tận “tiến sĩ sào” là làng Mộ Trạch khảo sát và nhờ sao lục bộ Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích nổi tiếng.
Do một người nhà công tác tại Viện Thông tin KHXH cho biết ở Viện Sử học có 01 bản Mộng Hồ gia tập chép tay trên giấy bản, ông Úy, vốn từ lâu đã quan tâm sưu tầm và làm phả dòng họ mình, đã nhờ làm cho một bản photocopy để khảo cứu.
Tại Thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội hiện lưu trữ đại bộ phận gia phả viết bằng chữ Hán Nôm, chỉ có Mộng Hồ thi tập. Tại sao Mộng hồ gia tập lại “lưu lạc” sang Viện Sử học? Có lẽ nguyên do là như sau: trên trang thứ nhất của Mộng Hồ gia tập có đóng con dấu hình chữ nhật: “Đảng Lao động Việt Nam – Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa. Thư viện”. Chúng ta biết Ban Văn - Sử - Địa, tiền thân của Viện KHXH ngày nay, được thành lập trong núi rừng chiến khu Việt Bắc năm 1953, so với Viện Nghiên cứu Hán Nôm sớm hơn rất nhiều, và trực thuộc Trung ương Đảng, do đó các tài liệu liên quan đã từ trường Viễn Đông Bác Cổ chuyển giao về Thư viện của Ban Văn - Sử - Địa. Khi tự tay làm lại bản photocopy bị hiện chữ ở mặt sau do giấy bản sao lục quá mỏng, ông Phạm Vũ Úy, một người đã nhiều năm sưu tầm và khảo cứu các bản gia phả của dòng họ mình, vốn có ý thức về văn bản cổ nên đã đối chiếu với bản sao gốc ở Viện Sử học, chú ý giữ lại bố cục và số trang của nó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khảo cứu.

2. Bố cục Mộng Hồ Gia tập
Mộng Hồ gia tập là một sách 29 tờ, 58 trang, mỗi trang 8 cột, mỗi cột 18 chữ Hán, kiểu chữ chân phương đẹp. Ở góc trên lề phải trang thứ nhất là đề sách:
夢湖家集
cột tiếp theo viết:
河内省應和府青威縣中總敦書范武氏普圖 (Hà Nội tỉnh Ứng Hòa phủ Thanh Oai huyện Phương Trung tổng Đôn Thư Phạm-Vũ thị phổ đồ)
Chúng tôi không ngẫu nhiên in đậm nét ba chữ “Phạm-Vũ thị”,  lí do sẽ xin nói rõ dưới đây.
Sau dòng trên sách chép liên tục 58 trang, với những đề mục sau:
-         (Tựa). Ở lạc khoản viết: 歲在戊子夏四月 弟九孫諴拜識 (Tuế tại Mậu Tý [1888] Hạ tứ nguyệt. Đệ cửu tôn Hàm bái chí. - VTK in đậm)
-         例言 (Lệ ngôn)
-         譜圖 (Phả đồ)
( bỏ trống một trang mặt sau)
-          先祖行狀 (Tiên tổ hành trạng). Ở lạc khoản viết: 先祖行狀乙酉年起草丁亥年屬藁奉原吏部尚書榆林雲麓阮公思僩潤正 戊子年謹書庶孫諴拜識 (Tiên tổ hành trạng Ất Dậu niên [1885] khởi thảo, Đinh Hợi niên [1887] chúc cảo. Phụng nguyên Thượng thư Lại bộ Du Lâm Vân Lộc Nguyễn công Tư Giản nhuận chính. Mậu Tý niên [1888] cẩn thư, thứ tôn Hàm bái chí. - VTK in đậm)
-         先母傳 (Tiên mẫu truyện). Ở lạc khoản viết: 先母傳丁亥年起草戊子年屬藁奉原吏部尚書俞林雲麓阮公思僩潤正  五月諱日半一夜焚香然臘謹書嗣子諴泣識 (Tiên mẫu truyện Đinh Hợi niên [1887] khởi thảo Mậu Tý niên [1888] chúc cảo. Phụng nguyên Lại bộ Thượng thư Du Lâm Vân Lộc Nguyễn công Tư Giản nhuận chính. Ngũ nguyệt húy nhật bán dạ phần hương nhiên lạp cẩn thư, tự tử Hàm khấp chí. -  VTK in đậm)
-         先考事寔記 (Tiên khảo sự thực kí). Ở lạc khoản viết: 保大五年十月初十日 後學辛丑庭元進士巡撫致仕鄒江友梅阮廷詢恭正  次南焚香泣誌  門人翰林院待詔秀才陳文爵拜攷 (Bảo Đại ngũ niện [1930] thập nguyệt sơ thập nhật. Hậu học Tân Sửu đình nguyên tiến sĩ tuần phủ chí sĩ Trâu Giang Hữu Mai Nguyễn Đình Tuần cung chính.  Thứ nam Thảng phần hương khấp chí. Môn nhân Hàn lâm viện đãi chiếu tú tài Trần Văn Tước bái khảo)
Lướt qua các đề mục với những dòng lạc khoản trên đây, có thể xác định được ngay là trừ 8 trang cuối cùng “Tiên khảo sự thực kí” là bản tiểu sử Vũ Phạm Hàm do người con trai thứ viết năm 1930, tất cả các phần còn lại của bản tộc phả họ Phạm-Vũ làng Đôn Thư là do chính Vũ Phạm Hàm, cháu đời thứ 9, khởi thảo từ năm 1885, khi mới 22 tuổi, đến năm 1888 thì hoàn thành. Có 50 trang với khoảng ngót chín trăm chữ mà Giải nguyên tài hoa của khoa thi Hương 1884 viết ròng rã 3 năm, chứng tỏ một sự làm việc cẩn trọng như thế nào. Vũ Phạm Hàm, theo chính lời cụ viết trong lời Tựa: “... đã tìm kiếm di cảo, khảo cứu thế hệ, lập thành phả đồ, bổ túc mà viết nên phả”. Những phả ký (về nội tổ và thân mẫu) là phần người soạn gia phả dễ mất khách quan và thiếu chừng mực trong xu hướng tôn vinh tổ tiên, Vũ Phạm Hàm lại trình nhà khoa bảng và là vị quan nổi tiếng thanh liêm chính trực, sống đồng thời và làm quan đồng triều với các nhân vật trong bài ký, xin được nhuận chính. Vì vậy Mộng Hồ gia tập là một phả liệu đáng tin cậy.

3. Nội dung Mộng Hồ gia tập
Mộng hồ gia tập cho chúng ta những thông tin gì xác thực?
3.1. Về nguồn gốc dòng họ Thám hoa Vũ Phạm Hàm -
Ở ngay cột chữ đầu tiên của bài Tựa, vị Thám hoa họ khẳng định cụ là hậu duệ của dòng họ Phạm-Vũ làng Đôn Thư: “Đôn Thư Phạm-Vũ thị phổ đồ”. Cuối bài Tựa lại ghi rõ: “Cháu đời thứ chín Hàm cúi lạy viết” – tức xác nhận mình nguồn gốc họ Phạm-Vũ. Về ông nội Vũ Đăng Dương, đỗ Hương cống khoa thi Hương 1821 và làm quan đến Tế tửu Quốc tử giám, Thám hoa họ Vũ cũng ghi rõ ràng: “Ông họ Phạm-Vũ, tên húy là Cát, về sau khi đi thi viên Thủ bạ viết họ là , húy Đăng Dương”. Chúng tôi không ngẫu nhiên nhấn mạnh điều này. Vấn đề là ở chỗ một số người họ Vũ mong muốn quy tất tật danh nhân mang họ Vũ xưa nay ở Việt Nam về một Thủy tổ Vũ Hồn, viên An Nam Kinh lược sứ (841 – 843) triều Đường, người từ Trung Hoa[3], nên đã có vị họ Vũ, không nêu một căn một nào, viết trên Bản tin của Hội đồng dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam rằng: Mộng Hồ gia tập là “gia phả họ -Phạm Đôn Thư”[4]. Thực ra, theo bản “Họ Phạm-Vũ Đôn Thư –Biểu đồ 64 phân chi hiện hữu” do cháu đời thứ 12 Phạm Vũ Úy lập, thì Vũ-Phạm chỉ là một “biệt chi trong dòng họ Phạm - Vũ Đôn Thư”, mới hình thành được hơn 100 năm nay, từ khi cụ Hàm đỗ Thám hoa, tức từ năm1906, cũng như trong dòng họ này còn các biệt chi - Phạm và Trần - Phạm.
Về cội nguồn của dòng họ Phạm mình, Thám hoa Vũ Phạm Hàm, với thái độ nghiêm cẩn của các nhà Nho xưa khi làm phả, đã viết trong bài Lệ ngôn (thể lệ viết phả): “Tổ tiên dòng họ ta không biết từ đâu tới, cũng có lời truyền rằng từ Thanh Hóa ra, nay với [họ Phạm] Tế Tiêu[5], Đông Ngạc[6] lại cũng nhận là cùng họ, nhưng không có bằng cứ để khảo nghiệm cho nên không dám lấy làm đích thực” (chúng tôi nhấn, - VTK). Họ Phạm làng Đông Ngạc, nay thuộc huyện Từ Liêm, là một danh gia vọng tộc với 11 tiến sĩ, nhưng đến đời cụ Thám Hàm mới chỉ có “lời truyền”, mà lời truyền thì, theo cụ, “không dám lấy làm đích thực” để móc nối phả, hẳn liêm sỉ của Nho gia khiến Cụ e mang tiếng “thấy sang bắt quàng làm họ”. Riêng đối với làng Phương Trung cùng tổng, đời cụ Thám chứng kiến vẫn qua lại trong những dịp giỗ chạp, nên cụ khẳng định “đích xác là một chi phái gần”, “thực quả là những người trong một dòng họ”[7], nhưng vì chưa tìm được phả, chỉ có những lời lược ghi theo lời truyền lại, nên cụ vẫn không ghi vào “Phổ đồ” do cụ lập cho dòng họ Phạm-Vũ Đôn Thư. Quả là một thái độ trung thực và cẩn trọng của Nho gia trong việc viết gia sử, đáng nêu gương cho những người cầm bút viết phả ngày nay! Ngót một thế kỷ sau, các hậu duệ của Thám hoa Vũ Phạm Hàm đã tìm được căn cứ để chắp nối phả với họ “Phạm Tam chi” làng Phương Trung, chép phả đồ dòng họ Phạm này ngược lên được 5 đời nữa trước vị Khởi tổ ở Đôn Thư, cộng với 9 đời trong “Phổ đồ” của cụ Thám là 14 đời, lại chép nối được 6 đời nữa đến tận ngày nay, tổng cộng là 20 đời, khoảng năm trăm năm (theo Phạm Vũ úy).
3.2. Lý do xuất hiện chữ “”, tạo thành các họ kép“Vũ-Phạm” và “Phạm-Vũ”  -
Về Khởi tổ của dòng họ mình, Thám hoa Vũ Phạm Hàm viết: “Cụ Trực Hiền[8] họ Phạm” Đến đời thứ hai, con của cụ Phạm Trực Hiền là Phúc Trạch, được Triêu Ba hầu Khang Chính (cũng gọi là Cương Chính) nhận làm con nuôi, “bèn đổi sang họ , dọn đến ở xã nhà, đời sau noi theo đấy mà lấy Vũ làm họ, kèm thêm chữ Phạm”. Như vậy đời thứ hai là Vũ-Phạm Phúc Trạch. , theo cách tính niên đại tương đối của chúng tôi, việc này xảy ra khoảng 1684+10, tức vào nửa sau TK XVII. Thám Hàm viết tiếp: “Cụ Triêu Ba hầu sinh con trai, đặt tên là Trực Tâm, bị chết sớm, nên lại nhận con trai của Phúc Trạch là Phúc Quý làm con nuôi”. Vậy là đời thứ ba là Vũ-Phạm Phúc Quý. Và lý do đổi sang họ Vũ, lấy Phạm làm đệm (để khỏi quên cội nguồn!), đều là vì trả ơn nuôi dạy, chứ hoàn toàn không có quan hệ huyết thống, dù là về đằng mẹ như trong một số trường hợp khác (trong dòng họ Tiến sĩ Vũ Tông Phan, chẳng hạn). Từ đời thứ 4 trở xuống đến đời thứ 6 không thấy cụ Thám ghi họ gì trước tên húy các vị tiên tổ, đến đời thứ 7 là đời ông nội Đăng Dương của mình mới thấy Vũ Phạm Hàm ghi rõ trong bài phả kí: “họ Phạm-Vũ, tên húy là Cát, khi đi thi viên Thủ bạ viết họ là , húy Đăng Dương”. Tuy nhiên vị tiên tổ ở đời trên là đời thứ 6 mà Thám Hàm chỉ ghi: “Dư, tên cũ là Sùng, đỗ Hương cống khoa Đinh Mão [1807]” thì sách Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục ghi rõ ràng: “Phạm Đình Dư, người xã Đôn Thư huyện Thanh Oai”. Cùng đỗ khoa thi này còn có người cháu họ của ông Dư, cụ Thám cũng chỉ ghi: “Quyền, còn có tên là Phác, đỗ Hương cống khoa Đinh Mão [1807], làm quan đến chức Tế tửu Quốc tử giám” thì sách trên đây ghi danh tính đầy đủ là Phạm Vũ  Phác. Tuy khoa thi Hương năm 1813, do đầu đời Gia Long, sau cuộc nội chiến kéo dài hai chục năm với Tây Sơn, việc kiểm soát hộ tịch chưa chặt chẽ, em ruột cụ Phạm Đình Dư, lại lấy họ đi thi, đỗ Hương cống, danh tính ghi trong sách của Cao Xuân Dục là Đình Bách, nhưng trong “Biểu đồ 64 phân chi” vẫn chép cụ và các hậu duệ của cụ với họ Phạm-Vũ. Vậy là sau 4 đời mang họ -Phạm để trả ơn dưỡng dục, dòng họ này ở Đôn Thư đã lấy lại họ gốc của Khởi tổ Trực Hiền là Phạm, chỉ thêm chữ đệm Vũ, thành họ kép Phạm-Vũ Đôn Thư, như Thám Hàm ghi ở cột đầu tiên trang thứ nhất của Mộng Hồ gia tập
Vậy tại sao chàng Nho sĩ Hàm đi thi lại ghi họ -Phạm chứ không phải là Phạm-Vũ?
Đó là vì theo thể lệ thi cử xưa phải khai danh tính đến ông tam đại. Ông nội của Nho sĩ Hàm, như cụ Thám viết, khi đi thi Thủ bạ ghi danh tính là Đăng Dương, đã đỗ Hương cống nên cái tên với họ ấy đã ghi vào bảng Đăng khoa lục, rồi lại vào sổ Quan trường trải nhiều chức vụ đến Tri phủ. Việc quản lý hộ tịch từ đời Minh Mạng về sau rất chặt chẽ, không thể tùy tiện đổi lại, nên cháu nội là Đăng Ngạn đi thi có thể đổi tên là Hàm, nhưng cái họ thì không được phép đổi, chỉ có thể lại một lần nữa lấy Phạm làm chữ đệm. Thế là sau 4 đời đã đứt đoạn, cái họ kép Vũ-Phạm trong dòng họ Phạm làng Đôn Thư xuất hiện lần nữa ở đời thứ 9, và vì người mang họ ấy đã cao khoa hiển hoạn, nên từ đấy, 1906, hình thành một biệt chi “Vũ trong Phạm”, tính đến nay là 103 năm, còn nếu tính từ năm 1821 khi cụ Phạm Vũ Cát đi thi “Thủ bạ ghi” là Vũ Đăng Dương thì đã được 188 năm.
3.3. Một cách lập phả đồ tiện lợi -
Bản “Phổ đồ” 9 đời 2 chi, 7 tiểu chi họ Phạm-Vũ làng Đôn Thư của Vũ Phạm Hàm thiết kế kết hợp trục ngang với trục dọc khá tiện lợi. Nó cho phép người đọc xác định nhanh chóng và chính xác quan hệ hàng nganghàng dọc trong gia tộc Phạm - Vũ. Nhìn vào “Phổ đồ” ấy, đọc theo hàng ngang từ phải sang trái, chúng ta có thể xác định được ngay các vị tiên tổ bằng vai nhau và thứ tự của họ trong gia tộc (ai trưởng, ai thứ, ai út); đọc theo hàng dọc, ta thấy ngay ai là con, cháu, chắt, chút, chít của ai. Đối với việc viết phả, lập lược đồ gia hệ rất quan trọng cho sự miêu tả chính xác chi phái trong nội tộc, thế thứ và danh xưng của từng vị tiên tổ. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy rằng tuy cha không đỗ đạt gì, nhưng chàng Nho sinh Hàm vẫn được thừa hưởng một truyền thống thi thư, khoa bảng nhiều đời trong gia tộc, dẫu chưa có người đỗ đại khoa, nhưng không thiếu Hương cống, Cử nhân, Tú tài, mà xưa kia “đè” 4 – 5 nghìn người trong một trường thi Hương khó không kém so với chuyện vượt lên trên chỉ vài ba trăm người trong kỳ thi Hội. Dựa vào “Phổ đồ” của cụ Thám Hàm, với trợ giúp của các sách tra cứu, chúng ta cũng dễ dàng tính ra, chẳng hạn, niên đại tương đối (+ 10) của từng thế hệ và dựa vào đó xác định niên đại tuyệt đối của một số vị tiên tổ cùng những sự kiện đề cập trong cổ phả - điều rất quan trọng đối với việc khai thác một cách không lầm lẫn các thông tin từ những bản phả cổ[9]. Việc không xác định được niên đại tương đối từng đời do không có phả đồ (hoặc người đọc/dịch không tự tái lập được phả đồ đó) có thể dẫn đến những nhầm lẫn rất phi lí về thế hệ và niên đại của sự việc như kiểu một số vị đời nay biên tập phả họ Vũ làng Mộ Trạch cho một vị tiên tổ trong họ mình nếu tính theo niên đại tương đối chỉ mới khoảng 3 tuổi là cùng, mà đã có con trai làm tướng tham gia năm 1460 vào vụ chém đầu bọn phản nghịch Phạm Đồn, Phạm Ban để phò tá Lê Thánh Tông lấy lại ngôi báu[10], hoặc như một vị tiến sĩ sử học nọ cho người sinh ra năm 1763 lại biên soạn quyển phả vào năm 1664, tức hàng trăm năm trước![11]
Chúng tôi nghĩ rằng phải chăng do có tiếp cận “Tân thư” nên Thám Hoa Vũ Phạm Hàm mới lập được một “Phổ đồ” tân tiến, với trục ngang và trục dọc chuẩn xác  như vậy.
3.4. Một tấm gương liêm chính quyết liệt chống thượng cấp tham nhũng
Trong bài ký “Tiên tổ hành trạng” Thám hoa Vũ Phạm Hàm chẳng những ghi lại quá trình học hành, thi cử và làm quan của ông nội Vũ Đăng Dương mà ở mức độ nhất định còn tái hiện được “ảnh hưởng”, tức hình ảnh và âm hưởng của một Nho sĩ có khí phách. Khi còn dùi mài kinh sử thì thông minh nhưng phóng khoáng, đọc sách chỉ lướt mắt lược lấy ý, làm văn cũng không khổ tâm khổ tứ, vậy mà vẫn thi đỗ. Khi ra làm quan thì tỏ ra văn võ song toàn, cương trực và dũng cảm. Vốn mưu lược, lại cường tráng ,“bụng lớn như cái nia..., tóc dài đến gối, tay chân nhanh nhẹn, con ngươi to đen tuyền, khi ngủ thở ù ù như sấm động”, Tri huyện Đăng Dương dám một mình một côn xông vào giữa đám cướp hàng trăm tên, và chỉ với hơn chục lính lệ đã bắt chúng phải quỳ gối chịu trói.
Nhưng khí phách của nhà Nho thanh liêm, uy vũ bất năng khuất này, bộc lộ đầy đủ nhất trong vụ Tri phủ Vũ Đăng Dương vạch mặt quan tham cấp trên là Hộ đốc (tức Phó tổng đốc) Ninh - Thái Phạm Thế Trung ăn chặn thóc gạo triều đình xuất kho lương cứu trợ cho dân đói. Như trên đã nói, bài ký này đã được Nguyễn Tư Giản, Thượng thư bộ Lại (bộ đảm trách vấn đề nhân sự!) nhuận chính. Ông là vị Trưởng môn trường Hồ đình của Tiến sĩ Vũ Tông Phan, đỗ Hoàng giáp năm 1844, nổi tiếng về liêm chính và như gần đây đã được khẳng định, rất cấp tiến cả về tư tưởng canh tân và tinh thần yêu nước chống xâm lăng[12]. Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản đương chức tại Nội các đúng thời gian (1852 - 1853) ông nội Vũ Đăng Dương của Vũ Phạm Hàm phải vào Kinh đô Huế trình diện Nội các để họ xét hỏi theo các mật báo vu khống của Hộ đốc họ Phạm. Bởi vậy những sự việc ghi trong bài phả ký “Tiên tổ hành trạng” của Vũ Phạm Hàm có thể coi đã được đóng con dấu “xác nhận đúng sự thật”.
Đoạn văn này trong Mộng Hồ gia tập có lẽ là một trong những thiên phóng sự đầu tiên về chống tham nhũng trong giới quan chức cao cấp, cũng là trận địa để ngòi bút của Tam nguyên Thám hoa tung hoành. Mượn lời thầy học là Phó bảng Phạm Hy Lượng, tác giả lột tả thực chất của cuộc đấu tranh chống tham nhũng là sự đối đầu một mất một còn giữa cá nhân trung trinh với cả một thế lực hắc ám: “Người ta thì thiên hạ ngửa trông miệng đón ý, cúi nhìn chân tránh đường, lại luôn luôn sẵn sàng vào hùa với nhau. Thế mà dám chọc giận mũi dùi đã chĩa ra, đối đầu với thế lực riêng đen tối! Quê ta quả là có một vĩ nhân như vậy đó!” Tấm gương khí phách của Tri phủ Vũ Đăng Dương hiển hiện sáng chói trong hành động đứng giữa tỉnh đường trực diện (tuy không chỉ tên) vạch trần sự ăn bẩn của quan tham họ Phạm trước văn võ bá quan: “Quan ăn nhiều là quan ô trọc – lời dân gian ấy tuy thô thiển nhưng thiết tha, chân thành về ý tứ. Bọn ta đều được nhận chức tước của triều đình, phải ngẫm nghĩ về câu ấy. Phàm những đồ ô uế, lũ chó lợn mới ăn. Người làm quan, thân đã vận gấm vóc, miệng nếm cao lương mĩ vị, mà sao mắt còn để vào những chỗ ô uế vậy?” Và ông chỉ rõ thế nào là “ăn bẩn: “Ăn cái không đáng ăn, rồi biến cong thành thẳng, thẳng thành cong, đúng thành sai, sai thành đúng, bóc lột đến tận xương máu kẻ khốn cùng để bỏ vào miệng vào bụng mình, sinh đủ ngón độc ác, cốt nuôi béo lũ thê thiếp. Những kẻ như vậy, sống lòng không trong sạch, không bằng loài chó lợn, nên dẫu thân xác không bẩn như chó lợn, thì vẫn không tránh được cái tiếng nhơ nhuốc”. Thiết nghĩ, những lời đanh thép ấy của  của ông cháu Thám Hàm chống tham những vẫn còn nóng hổi hôm nay!
Gây áp lực không xong, cầu cạnh làm thân chẳng được, Hộ đốc Phạm Thế Trung mật thảo đơn từ, tận dụng “thế lực riêng đen tối”, lén lút gửi vào cơ quan Liêm phóng trong triều để vu cáo Tri phủ Vũ Đăng Dương.. Đến khi ông có Chỉ dụ gọi về Kinh kiểm tra thì hắn lại trì hoãn việc làm giấy tờ và giở giọng mật ngọt khuyên ông về quê dưỡng sức đã, đợi ra Giêng hãy lai Kinh, cốt lừa ông vào tội chậm trễ. Cây ngay không sợ chết đứng, Vũ Đăng Dương kiên quyết không giấy tờ cũng vào Kinh đối diện với các cơ quan khảo hạch của Bộ Hình và Nội các. Chân lý cuối cùng được làm sáng tỏ, Phạm Thế Trung bị cách chức, Tri phủ Dương được minh oan cho về quê chờ hậu bổ. Tuy nhiên, có lẽ hơn một năm hao tổn tâm trí và sức lực đã khiến vị quan vốn cường tráng, nổi tiếng thanh liêm và thân dân, đã qua đời ngay mấy tháng sau khi về đến quê nhà, hưởng dương 59 tuổi.

Mộng Hồ gia tập dẫu chỉ còn lại bản sao năm 1930, nhưng cả về nội dung, phương pháp biên soạn, tư cách tác giả và văn phong, vẫn là một di sản quý hiếm trong kho tàng gia phả Việt Nam bị tàn phá quá tang thương ở thế kỷ đầy biến thiên vừa qua.
Hà thành, tháng cuối Thu Tân Mão 2011.
Hậu học, Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi cẩn bút
(Đăng Tạp chí Hán Nôm, số 6 / năm 2011)
                                   

  Thông báo Hán Nôm >> Tác giả >> K >> Vũ Thế Khôi
33. Nhân vật lịch sử Vũ Hồn qua các bản tộc phả họ Vũ làng Mộ Trạch (TBHNH 2004)
Cập nhật lúc 16h44, ngày 25/06/2007
Bài số 3  NHÂN VẬT LỊCH SỬ VŨ HỒN
QUA CÁC BẢN TỘC PHẢ HỌ VŨ LÀNG MỘ TRẠCH
VŨ THẾ KHÔI
Hai Bà Trưng, Hà Nội
Ngày nay tài liệu khảo cổ học đã chứng minh rõ ràng rằng Vũ Hồn không phải người họ Vũ đầu tiên từ Trung Hoa sang cư trú ở Việt Nam: trong bài văn khắc trên quả chuông phát hiện năm 1986 ở xã Thanh Mai huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây, do hội Phật giáo xã này đúc năm 798, tức ngót ba chục năm trước khi ông Hồn sang Giao Châu làm Thứ sử vào năm Bảo Lịch nguyên niên (825) (đó là theo phả họ Vũ Mộ Trạch, còn chính sử không ghi gì về điều này), đã có khắc tên (bị mờ) một vị họ Vũ từ tỉnh Cam Túc ở miền Tây - Bắc Trung Hoa sang cư trú ở đây, nhập tịch làng Việt và tham gia đúc chuông thờ Phật tại chùa làng(1). Chắc chắn ông quan võ họ Vũ từ Cam Túc này cũng chẳng phải người đầu tiên sang tị nạn ở đất Việt, bởi vì sau khi Võ Tắc Thiên bị truất ngôi năm 705, dòng họ bà bị tàn sát, hẳn nhiều người họ Vũ phải đổi tên họ, chạy trốn biệt tăm đến các miền duyên hải và biên viễn, sống mai danh ẩn tích. Không phải ngẫu nhiên Thăng Long xưa, theo địa chí của Nguyễn Trãi có cả một phường Đường Nhân (người nhà Đường). Và theo chúng tôi, cũng chẳng phải ngẫu nhiên tại những vùng biên viễn Châu Ái, Châu Hoan xưa, đất Thanh Nghệ nay có những làng toàn người họ Vũ.
Đã không phải là người họ Vũ đầu tiên đến Việt Nam, đương nhiên Vũ Hồn cũng chẳng phải là Thủy tổ của mọi dòng họ Vũ từ Bắc chí Nam, như một số tác giả họ Vũ đời nay suy diễn(2).
Tuy nhiên, ông Vũ Hồn đích xác là người họ Vũ đầu tiên được lưu danh trong sử xanh nước Việt và việc Ông là Thủy tổ của một trong những dòng họ Vũ lớn nhất và giầu truyền thống văn hóa nhất trên đất Việt có những căn cứ lịch sử và thực tế nhất định.
Bộ sử sớm nhất của nước ta là Đại Việt sử lược (TK XII - XIII) chỉ ghi được về Vũ Hồn 4 chữ: “Người [đời] Đường Vũ Tông”. Đường Vũ Tông chỉ trị vì 6 năm, từ 841 đến 847.
Sách sử và địa chí An Nam chí lược do Lê Tắc, theo Trần Kiện và Trần Ích Tắc lưu vong sang đất Bắc, biên soạn xong năm 1333, ghi dài hơn, được 1 câu: “Vũ Hồn làm Kinh lược [sứ] An Nam, năm Hội Xương thứ 3 bị quân sĩ làm loạn đuổi đi”. Vậy là thêm được 2 chi tiết: chức vụ là Kinh lược sứ, chuyên phận sự đánh dẹp, và năm 843 đã bị quân sĩ làm loạn đuổi đi. Hai chi tiết này hoàn toàn chính xác bởi vì sống lưu vong trên đất Trung Hoa, lại được triều Nguyên ban chức Tòng Thị lang, Lê Tắc có thể tham khảo bộ sử Tân Đường thư do Tiến sĩ Âu Dương Tu chủ biên từ 1054 đến 1060: ở đoạn chép các sự kiện xảy ra tháng 11 năm Hội Xương 3 bộ sử này ghi 11 chữ liên quan Vũ Hồn, nguyên văn: “An Nam quân loạn, trục kỳ Kinh lược sứ Vũ Hồn”.
Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) của Ngô Sĩ Liên và các sử gia triều Lê (TK XV - XVII) cho biết thêm: Vũ Hồn được bổ làm Kinh lược sứ năm Hội Xương thứ nhất, tức 841, nhưng ghi là “thay Hàn Ước”, chứng tỏ các tác giả không tiếp cận được An Nam chí lược vì theo sách này của Lê Tắc thì giữa Hàn Ước và Vũ Hồn còn có Mã Thực, được bổ giữ chức Đô hộ sứ An Nam từ 836 đến 840. Tuy nhiên ĐVSKTT ghi chi tiết hơn một chút về vụ quân sĩ An Nam làm loạn, xin dẫn nguyên văn: “Quý Hợi (Đường Hội Xương tam niên) Kinh lược sứ Vũ Hồn dịch tướng sĩ trị thành phủ, tướng sĩ tác loạn, thiêu thành lâu, kiếp phủ khố. Hồn bôn Quảng Châu, Giám quân Đoàn sĩ tắc phủ an loạn chúng” (Quý Hợi, năm thứ 3 niên hiệu Hội Xương triều Đường, Kinh lược sứ Vũ Hồn bắt tướng sĩ sửa thành phủ, tướng sĩ làm loạn, đốt thành lầu, cướp kho phủ. Hồn chạy về Quảng Châu, Giám quân Đoàn Sĩ Tắc dụ yên bọn làm loạn. - xin lưu ý những từ in nghiêng đđối chiếu với tài liệu dưới đây).
Các chi tiết về vụ nổi loạn năm 843 của quân sĩ ở An Nam Đô hộ phủ không thấy ghi trong cả Cựu Đường thư lẫn Tân Đường thư, vì vậy đã có nhà nghiên cứu ức đoán rằng các tác giả Đại Việt sử ký toàn thư thu thập được và sử dụng tài liệu trong bản gia phả TK XIV của họ Vũ Mộ Trạch do anh em Tể tướng Vũ Nghiêu Tá và Vũ Nông biên soạn(3). Thực ra, các chi tiết về vụ nổi loạn trên có ghi trong một bộ sử khác của Trung Hoa là Tư trị thông giám, do Tư Mã Quang, đỗ Tiến sĩ năm 1038, biên soạn dòng dã 17 năm trời, khối lượng đến ba nghìn trang, gồm 294 quyển (nhiều hơn Tân Đường thư đến 69 quyển), được Chủ tịch Mao Trạch Đông đặc biệt yêu thích, đọc đi đọc lại, theo chính lời ông nói, đến 18 lần. Tư trị thông giám, q.247 (Đường kỷ 63), trong đoạn liệt kê các sự kiện xảy ra trong tháng 11 năm Hội Xương thứ 3 đời Đường Vũ Tông có ghi: “An Nam Kinh lược sứ Vũ Hồn dịch tướng sĩ trị thành, tướng sĩ tác loạn, thiêu thành lâu, kiếp phủ khố. Hồn bôn Quảng Châu, Giám quân Đoàn Sĩ Tắc phủ an loạn chúng(4). Rõ ràng ĐVSKTT đã sao chép gần như nguyên văn câu chữ trong Tư trị thông giám (TK XI). Nếu quả thực anh em Tể tướng Vũ Nghiêu Tá và Vũ Nông có làm phả như Vũ Phương Đề viết trong sách Công dư tiệp ký, thì theo truyền thống viết phả xưa để tôn vinh tổ tiên, họ (cũng như các tác giả bộ tộc phả họ Vũ Mộ Trạch đề cập dưới đây) không thể ghi vào phả việc cụ Thủy tổ của dòng họ bị loạn quân đuổi đi, phải bỏ cả nhiệm sở mà chạy trốn về Quảng Châu.
Trên đây là tất cả những gì đích xác, có ghi trong chính sử của hai nước Trung, Việt về nhân vật Vũ Hồn. Cho đến nay chưa phát hiện thêm bất kỳ sử liệu khả tín nào khác về thân thế Vũ Hồn nói chung, và nói riêng về số phận ông sau sự biến năm 843 ra sao.
Các thư tịch cũ bằng chữ Hán ở Việt Nam chỉ bắt đầu đề cập nhiều đến nhân vật Vũ Hồn sau khi năm 1755 xuất hiện sách Công dư tiệp ký của Tiến sĩ Vũ Phương Đề và 14 năm sau, vào năm 1769 - bộ phả Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích do nhóm tác giả Hương cống Vũ Phương Lan, Hương cống Vũ Thế Nho, Sinh đồ Vũ Tông Hải biên soạn, Tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh hiệu đính. Dẫu khác nhau về tính chất (truyện ký - gia sử) nhưng cả hai tác phẩm đều do những người trong dòng họ này chấp bút dựa trên một số tài liệu phả, thơ văn của tiền nhân lưu trữ được sớm nhất là từ TK XVI (tức cách Vũ Hồn đã 7 thế kỷ!), và những lời truyền lưu hành trong dòng họ từ các đời xa xưa.
Vậy bộ phả của họ Vũ Mộ Trạch cho biết thêm được những gì về nhân vật Vũ Hồn ? Và những thông tin ấy có căn cứ thực tế đến mức độ nào?
1. Trước hết, phả cho biết xuất xứ của Vũ Hồn: các bản phả Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tíchMộ Trạch Vũ tộc ngũ chi phả, hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội với các ký hiệu A.3132, A.659, VHv.1342/1-3, đều ghi thống nhất ông là người huyện Long Khê tỉnh Phúc Kiến, riêng bản A.3136 Mộ Trạch Thế Trạch đường gia phả do Vũ Văn Tài viết Tựa năm Minh Mạng 14 [1833] lại viết “Phúc Châu phủ Phúc Điền huyện Long Khê ”. Tra cứu trong các bộ từ điển có uy tín của Trung Hoa như Từ nguyênTừ hải thì chỉ có địa danh “Long Khê huyện”, do Nam triều Lương (502 - 557) đặt, thuộc Chương Châu tỉnh Phúc Kiến (tỉnh lỵ là Phúc Châu), không có địa danh “Phúc Điền huyện”. Vậy Long Khê là huyện hay xã? Hay vừa là tên huyện vừa là tên xã như địa danh “Thượng Phúc” ở phủ Thường Tín thuộc trấn Sơn Nam Thượng - Việt Nam hồi đầu TK XIX ? “Long Khê” nọ thuộc Chương Châu hay Phúc Châu? Những điều đó cho đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích ghi rằng đã có một lần các quan viên họ Vũ này là Tiến sĩ Vũ Duy Hài, trưởng nam của Tể tướng Vũ Duy Chí, cùng người em họ là Tiến sĩ Vũ Công Đạo năm 1673 được cử tham gia sứ bộ sang nhà Thanh(5), đã hẹn nhau xong việc, trên đường về sẽ ghé Phúc Kiến dò tìm tông tộc, nhưng rồi gặp lúc ở đó có giặc giã nên không thực hiện được sở nguyện. Và nhóm tác giả của Vũ Phương Lan đành bỏ ngỏ các vấn đề về cha mẹ, vợ con, thân thích, cũng như con đường khoa hoạn của Thủy tổ Vũ Hồn ở Trung Hoa, dành lại cho hậu sinh tiếp tục truy tìm và khảo chứng, chứ không chép theo thần tích làng Mộ Trạch như một số tác giả đời nay. Gần đây có người dẫn sách Làng Hành Thiện và các nhà Nho Hành Thiện triều Nguyễn của Đặng Huy Thục, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1992, kể chuyện cụ Đặng Quốc Kiều hoạt động trong phong trào Đông du hồi 1906 - 1909, khi ở Trung Quốc có đến Phúc Kiến thăm bà con dòng họ Vũ Hồn, được họ đón tiếp niềm nở, lại còn tặng một số tiền góp cho công cuộc chống thực dân Pháp ở Việt Nam(6). Tiếc rằng tác giả sách và người trích dẫn đều không đưa ra được bằng chứng gì về quan hệ thân tộc của họ với Vũ Hồn. Chừng nào chưa minh chứng được mối quan hệ thân tộc của Vũ Hồn với họ Vũ ở Phúc Kiến thì vẫn chưa thể khẳng định rằng nghi vấn về nguồn gốc của họ Vũ Mộ Trạch đã được giải quyết.
2. Bộ phả của họ Vũ Mộ Trạch cho biết chức vụ và thời điểm lần đầu tiên Vũ Hồn sang An Nam : bức thư về việc làm phả của Vũ Đoan Biểu gửi Vũ Dụ (có sao lại trong phả, niên đại chúng tôi xác định khoảng 1561 + 5) và văn bia Tự thuật (khoảng 1676 - 1679) của Tể tướng Vũ Duy Chí đều chỉ ghi Vũ Hồn được cử sang làm Thứ sử Giao Châu. Bản phả cổ mà chúng tôi phát hiện ở làng Mộ Trạch ngày 19-11-2002 và đã đưa nhóm công tác của GS Phan Huy Lê về sao chụp bằng máy kỹ thuật số (tạm ký hiệu là bản M.Tr.-A), qua phân tích văn bản có lẽ là sao từ bản phả gốc 1769, đã chép theo đúng như vậy và bổ sung hai chi tiết:
a) Thời điểm Vũ Hồn được bổ sang làm Thứ sử Giao Châu là năm Bảo Lịch nguyên niên (tức lần đầu tiên ông có mặt ở nước ta là năm 825, chứ không phải 841);
b) Người được ông thay ở chức vụ đó là Hàn Thiều.
Như vậy là bản phả gốc năm 1769 đã đính chính sai lầm ở phần chú trong sách Công dư tiệp ký ghi rằng năm 825 Vũ Hồn được bổ làm An Nam Đô hộ sứ vì điều này không phù hợp với sử sách: theo ĐVSKTT, khoảng 824/25 An Nam Đô hộ sứ là Lý Nguyên Gia, năm 828 thay chân ông ta là Hàn Ước (chứ không phải Hàn Thiều). Chúng tôi ngờ rằng những lời “nguyên chú” này không phải của Vũ Phương Đề, anh cùng mẹ khác cha với Vũ Phương Lan nên tất phải biết rõ gia phả của họ mình.
Vì sao nhóm tác giả của Vũ Phương Lan năm 1769 không ghi vào tộc phả những thông tin từ các nguồn sử liệu về việc năm 841 Vũ Hồn được cử sang An Nam lần nữa với chức vụ cao hơn Thứ sử là Kinh lược sứ? Phải chăng họ muốn né tránh đề cập vụ Thủy tổ của dòng họ năm 843 bị quân sĩ làm loạn đuổi về Quảng Châu ? Phải đến bản A.3132 (và bản A.659 đồng nhất), qua phân tích văn bản chúng tôi xác định là tục biên dưới triều Tự Đức (sau 1858), những thông tin đó mới được ghi thêm vào, nhưng với hai sự điều chỉnh để vẫn không phải đề cập vụ An Nam quân làm loạn, là: a) không ghi việc năm 841 Vũ Hồn được cử sang làm Kinh lược sứ - một chức vụ tạm thời, chỉ chuyên về đánh dẹp ở các châu biên viễn; b) ghi năm 843 ông “được thăng làm An Nam Đô hộ sứ” - chức vụ đứng đầu bộ máy thống trị 1 trong 6 vùng biên viễn thần thuộc Trung Hoa. Điều ghi thêm này không thấy chép trong sử sách Trung Hoa và Việt, nên không thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, việc sau sự cố năm 843 Vũ Hồn có thể trở lại tiếp tục phận sự Kinh lược sứ (chứ không phải được thăng làm Đô hộ sứ) thì không phải hoàn toàn phi lý. Trong tác phẩm Sử Trung Quốc học giả Nguyễn Hiến Lê có viết rằng về cuối đời Đường bè đảng hoạn quan nhũng loạn triều đình, các địa phương bất phục, nổi lên cát cứ, trung ương không sai khiến được. Xem lại giai đoạn này trong Tân Đường thưTư trị thông giám có thể thấy không ít vị Đô hộ sứ, Tiết độ sứ và Kinh lược sứ, do triều đình bổ nhiệm, bị quân sĩ ở các châu, phủ làm loạn giết chết hoặc đuổi đi. Chỉ 13 năm trước vụ Vũ Hồn, năm 830, Đô hộ sứ Hàn Ước cũng từng bị quân sĩ ở An Nam Đô hộ phủ làm loạn đuổi đi, nhưng rồi triều đình trung ương vẫn cho làm Hữu kim ngô vệ Đại tướng quân, năm 836 mới bị Cửu Sĩ Lương giết chết(7). Vậy thì sau khi Giám quân Đoàn Sĩ Tắc dụ yên được bọn làm loạn, việc Vũ Hồn hoặc tự ý hoặc được triều đình trung ương còn đang lo nội bộ cho trở lại nhiệm sở là điều có thể xảy ra. Sau đó, trong khoảng 843 - 846, Kinh lược sứ Vũ Hồn “vì bệnh tật đã trả thẻ bài từ quan”, như tộc phả viết, hoặc không dẹp nổi giặc Nam Chiếu nên năm 846 bị triều đình bãi chức, cử Bùi Nguyên Dụ sang thay làm Kinh lược sứ An Nam.
3. Mộ Trạch Vũ Tộc thế hệ sự tích (1769) tiếp theo sách Công dư tiệp ký (1755) là những thư tịch đầu tiên ghi nhận Vũ Hồn là người sáng lập làng và đặt tên Khả Mộ (đáng mến mộ) cho làng và tên Đường An (đất yên ổn đời Đường) cho huyện nhà.
Về việc tên huyện Đường An do Vũ Hồn đặt, Phạm Đình Hổ trong sách Vũ Trung tùy bút cho là “cũng hơi có lẽ”, nhưng rồi ông lại tỏ ý nghi ngờ điều này vì phát hiện sách Đường kỷ của Trung Hoa viết ở đời Đường Đức Tông, tức trong khoảng 780 - 805 đã có một “Đường An công chúa”, mà phép lập hiệu cho công chúa nhà Đường thường lấy tên huyện đđặt, nhưng trong nội địa Trung Hoa, theo Địa lý chí trong Đường thư lại không có huyện Đường An, vậy thì nó có thể có ở Giao Châu, từ trước khi Vũ Hồn tới đây(8). Ngày nay có nhà nghiên cứu phản bác nghi vấn của tác giả Vũ trung tùy bút bằng lập luận rằng trong nội địa Trung Hoa có huyện Đường, vậy thì người ta có thể thêm chữ “An” cho thành mỹ hiệu của một phụ nữ lá ngọc cành vàng(9). Cũng lại “hơi có lý”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc Kinh lược sứ Vũ Hồn tự ý đặt tên huyện là phi lý nhiều hơn, bởi lẽ vị quan tiền nhiệm là Đô hộ sứ Mã Thực, chức cao hơn, vậy mà muốn đổi huyện Vũ Lục thành châu Vũ Lục, còn phải dâng biểu tâu xin với triều đình, chờ được chuẩn y , sự việc về sau phải ghi vào Địa lý chí(10), thì không thể có chuyện viên Kinh lược sứ, theo chức phận tạm thời chỉ chuyên về đánh dẹp, lại được tự tiện đặt tên huyện,
Riêng việc Vũ Hồn sáng lập và đặt tên làng Mộ Trạch thì có thể đáng tin hơn. Một là, theo tín ngưỡng truyền thống của người Việt, các vị sáng lập làng hoặc ông tổ nghề thường được dân thờ, được phong làm Thành hoàng làng. Vũ Hồn cũng được dân làng Mộ Trạch gồm nhiều họ khác nhau như Lê, Vũ, Nhữ, Nguyễn... tôn thờ làm Thành hoàng làng. Hai là, làng Mộ Trạch từng có tên gọi nôm na là “thôn Hồn”, may mắn được ĐVSKTT ghi lại năm 1436 nhân viết về việc bổ Lê Thúc Hiển, con trai của tác giả bức “Vạn ngôn thư” Lê Cảnh Tuân, làm An phủ sứ lộ Trường An, lời chú kèm theo viết: “Hiển người thôn Hồn thuộc Hồng Châu”. Thôn Hồn chính là Khả Mộ, bởi vì mươi năm trước đó, cũng lại ĐVSKTT ghi về anh ruột của Thúc Hiển là Lê Thiếu Dĩnh nhân việc ngày 29 tháng Một (11) năm 1427, Lê Lợi cử ông làm sứ thần đưa bọn hàng tướng Vương Thông về Trung Hoa, như sau: “Lê Thiếu Dĩnh người Khả Mộ, nay là Mộ Trạch”.
4. Xét theo bản phả cổ chúng tôi mới phát hiện đã nhắc tới ở trên, thì bản tộc phả do nhóm Vũ Phương Lan hoàn thành năm 1769 là thư tịch đầu tiên viết rằng Vũ Hồn từ trần ở Mộ Trạch (không ghi năm nào) và được hợp táng với vợ ở phía đông-bắc của ấp, ở chỗ tục gọi “Mả Vua”, được sắc phong làm Phúc thần.
Nơi táng được miêu tả bằng ngôn ngữ địa lý phong thủy như sau: “Đất ấy có quan chầu phía trước, quỷ chầu phía sau, bên phải có cờ, bên trái có trống, vũ sĩ phù vệ hai bên, ngựa mẹ dắt ngựa con, mạch dẫn vào bên trái, bảy ngôi sao chầu án, Hợi long, Nhâm sơn, Bính hướng”. Các bản tục biên về sau như A.3132, ghi cụ thể hơn về vị trí táng là ở phía bắc thôn, phía đông-bắc giáp Trạch Xá, kiểm tra trên thực địa vẫn cùng vị trí, nhưng “Mả Vua” đã được tôn xưng là “Thần lăng”. Có lẽ chính chữ “lăng” đã khiến một số tác giả đời nay lầm tưởng đoạn miêu tả trên đây là “một ngôi mộ uy nghi có quan chầu phía trước, quỷ chầu phía sau v.v...”, tức dường như một kiến trúc lăng mộ thực sự từng được dựng lên nơi đây(11). Nhưng các tài liệu cổ nhất của dòng họ Vũ Mộ Trạch như thơ văn ngâm vịnh các tiên tổ và di tích của Tô quận công Lê Quang Bí và Hoàng giáp Vũ Cán (đầu TK XVI), thư của Vũ Đoan Biểu (1561 + 5), văn bia Tự thuật của Tể tướng Vũ Duy Chí (1676 - 1679) không có chữ nào về lăng mộ Vũ Hồn ở Mộ Trạch xưa. Trong đoạn văn trên, các nguyên bản chữ Hán đều không dùng chữ “mộ” hay “phần” (nghĩa là mộ được xây cao) mà chỉ viết “Thử địa...” (mảnh đất ấy: “Thử địa tiền quan hậu quỷ” v.v...). Những câu chuyện ly lỳ về “huyệt Kim tinh”, về “phép táng treo trên bốn cọc sắt”, về “họa đồ ngôi mộ của hậu duệ Vũ Hồn từ Trung Hoa gửi sang” v.v... đều bắt nguồn từ sách Đăng khoa lục sưu giảng của Tiến sĩ Trần Tiến, có bà ngoại là gái họ Vũ ở huyện Phượng Nhãn xứ Kinh Bắc xưa, nay là huyện Chí Linh. Trần Tiến mất năm 1770, vậy ông phải hoàn thành tác phẩm trên trước đó, tức có lẽ biên soạn đồng thời với Công dư tiệp ký (1755) và Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích (1769). Ông lại là đồng liêu với Vũ Phương Đề: quan Đông các hiệu thư Phương Đề còn có bài thơ họa bài Tự thuật của thân phụ Trần Tiến là Tham tụng Trần Cảnh trình đồng liêu năm 1756 nhân ngày được về trí sĩ(12). Vậy mà hai quan viên họ Vũ Mộ Trạch vẫn không chép theo ông những truyền thuyết trên vào các công trình của mình. Họ thận trọng như vậy là phải, bởi biết gì là thực, gì là hư ở những truyền thuyết trong dân gian sau hồi phát tích kỳ vĩ của dòng họ Vũ Hồn ở “tiến sĩ sào”, trong khi đó thì không có chữ nào ở thơ văn ngâm vịnh các di tích và tiên tổ, phả liệu xưa hay lời truyền của các đời trước trong chính dòng họ mình cũng không nhắc tới.
Về người vợ của Vũ Hồn tộc phả không viết gì cụ thể, ngoài việc bài vị của bà “vương phi” (do từ niên hiệu Cảnh Hưng nguyên niên (1740) Thành hoàng Vũ Hồn đã được phong lên bậc Thượng đẳng với tước hiệu Đại vương) đã được dân làng Trạch Xá (thời Lê là Mạc Xá) lân cận rước về phụng thờ. Theo thông lệ thờ thần, các bà phu nhân thường được phối thờ ngay bên cạnh thần vị chủ, trong trường hợp này lại rước sang thờ ở làng bên cạnh. Vậy phải chăng bà vợ của Vũ Hồn là người Mạc Xá ? Trong tộc phả có chép một bức thư khác của Vũ Đoan Biểu gửi người em họ ngoại là Nguyễn Khoa Huấn ở thôn Mạc (tức Mạc Xá), nhưng theo chính phả chi 5 thuộc Tiền ngũ chi thì rõ ràng đây là họ bà ngoại Nguyễn Thị Nhi của ông Biểu.
Không ít tác giả đời nay chép theo ngọc phả Thành hoàng Mộ Trạch cho rằng Vũ Hồn được phong Thượng đẳng thần từ đời Trần do công phù giúp Trần Quốc Tuấn phá quân Nguyên. Các tác giả Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích 1769 (bản M.Tr.-A) cẩn trọng hơn nhiều, chỉ chép: “Tiền thử bất khả khảo” (trước đây không thể tra rõ được) và ghi đích xác: “năm thứ 5 niên hiệu Long Đức triều Lê (1734) và Đinh Tỵ năm thứ 3 niên hiệu Vĩnh Hựu (1737) được phong làm Trung đẳng thần”. Các đời trước không phong nhiều “Thượng đẳng” như triều Nguyễn (đặc biệt hào phóng vào thời chế độ suy đốn dưới các đời Khải Định và Bảo Đại!). Đến cả những người có công phò Lê chống Mạc phải tử tiết như Giám sát ngự sử Vũ Thiệu, Thành hoàng làng Hoa Đường (nay Lương Ngọc) lân cận, sau khi nhà Lê trung hưng, ban đầu cũng chỉ được phong Trung đẳng thần(13). Sắc phong cổ nhất còn giữ được đến ngày nay là sắc phong ở lạc khoản ghi “Cảnh Hưng nguyên niên thất nguyệt nhị thập tứ nhật”, tức ngày 24 - 7 (â.l.) - 1740. Trong bản sắc phong này mới thấy tôn xưng Vũ Hồn là “thượng đẳng lâu đài cư sĩ”.
5. Về ngôi “mộ Đống Rờm“ lừng danh ở xóm Viên Phụ, xã Man Nhuế huyện Thanh Lâm - Nam Sách, bản M.Tr.-A chỉ ghi: “Trước đây thất truyền. Thời trung gian có quan Tham chính Trần Xuân Yến, người An Lạc - Thanh Lâm mời thầy địa lý Nguyễn Trọng Diệu, người Bách Tính - Nam Trân tìm cát địa để cải táng; khi đào chỗ mộ lên thì được một mộ chí bằng đá đĐường An huyện Mộ Trạch xã Tổ mộ bèn báo cho biết, con cháu ấp ta mới đến nhận, ngày lễ tết cúng bái”. Các bản tục biên vào đời Nguyễn đều chữa “trung gian” thành “Lê sơ” (đầu đời Lê), “Mộ Trạch xã”, thành “Khả Mộ xã”, lại thêm hai chữ “Vũ tộc” và bổ sung cả đoạn về việc xưa kia “Tương truyền...” chính Vũ Hồn đem hài cốt gia tiên táng vào đó. Chúng tôi cho rằng Vũ Phương Lan cùng các đồng tác giả không thể ghi sai lệch và thêm thắt vào mộ chí, không liều đẩy thời gian phát hiện lên tận TK. XV cho cổ xưa hơn, cũng không dám viết vào phả truyền thuyết về việc Vũ Hồn đã đem hài cốt gia tiên táng vào đấy, bởi một lẽ đơn giản là những người trong cuộc, từng tận mắt thấy việc phát lộ mộ chí, vẫn còn đang sống: bia Tiến sĩ trong Văn miếu - Quốc tử giám và Lịch triều đăng khoa lục cho biết đích xác Trần Xuân Yến, xã An Lạc huyện Thanh Lâm, đỗ Tiến sĩ năm 1721 lúc 32 tuổi, tức ông là đồng liêu của cả Vũ Phương Đề, đỗ Tiến sĩ năm 1736 và Vũ Phương Lan, đỗ Hương cống năm 1735.
Đó là tất cả những gì bộ tộc phả của họ Vũ Mộ Trạch có thể cho chúng ta biết về Vũ Hồn. Còn lại là vô số truyền thuyết ly kỳ, hoặc còn truyền khẩu, hoặc đã được chép lại thành truyện ký lý thú, hay soạn thành thần tích linh thiêng, nhưng đều còn chưa có mảy may cơ sở thực tế nào minh chứng.
Ngọc phả cũ của Thành hoàng làng Mộ Trạch hẳn đã thành tro bụi cùng các sắc phong đời Lê Long Đức và Vĩnh Hựu trong vụ đình làng bị thiêu trụi. Sơ bộ phân tích văn bản, chúng tôi khẳng định: bản Ngọc phả mà cụ Vũ Hoằng Nghị dịch sang chữ quốc ngữ, một số tác giả các sách và bài báo đời nay hồn nhiên chép theo(14), được biên soạn vào đời Nguyễn, khi từ năm Gia Long thứ 8 (1809) đã bắt đầu đợt sao lục lại các thần tích(15). Bản Ngọc phả nói đây được biên lục sớm nhất cũng vào đời vua Minh Mạng, phải từ sau năm 1822 trở đi, bởi vì trong văn bản có địa danh “Bình Giang phủ”, mới từ “Thượng Hồng phủ” đổi sang năm thứ 3 đời Minh Mạng(16). Bản được phiên âm và dịch nghĩa trong sách Dòng họ Vũ - Võ ở Việt Nam xưa và nay, lại còn mới hơn nữa cả về nội dung lẫn hình thức ngôn ngữ, rất có thể là sản phẩm của đầu thế kỷ XX, dưới thời Bảo Đại, bởi vì: a) nội dung không hư ảo chung chung như các thần tích mà cụ thể và xác thực do đã bổ sung nhiều thông tin từ quốc sử, chẳng hạn về cuộc chiến đấu của Triệu Quang Phục ở đầm Dạ Trạch, hay về vụ quân sĩ An Nam Đô hộ phủ làm loạn khiến Đức Ngài phải chạy về Quảng Châu; b) văn phong đã rất “tân thời”, kiểu như (nguyên văn): Quang Phục “tổ chức căn cứ...”, “Công (tức Vũ Hồn) chủ trương củng cố La Thành...”, “Đoàn Sĩ Tắc tiếp quản phủ...” v.v... - những cụm từ cố định ấy không thấy trong các từ điển Hán ngữ cổ Từ nguyênTừ hải: “chủ trương” (với nghĩa động từ) phải chờ đến Hán ngữ từ điển của Lê Cẩm Hy, xuất bản năm 1936 mới xuất hiện, còn các cụm từ cố định “căn cứ” dùng với nghĩa “cơ sở chiến đấu”, ”củng cố”, “tiếp quản” dùng như động từ thì ngay trong từ điển của Lê Cẩm Hy cũng chưa có! Ấy là chưa kể không hiểu do đâu Vũ Hồn vốn là người Long Khê tỉnh Phúc Kiến lại biến thành người phủ Thường Châu tỉnh Giang Tô ! Liệu ở đây có chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như tiến sĩ Hán Nôm Đinh Khắc Thuân đã phát hiện ở một số thần tích “san nhuận lại” vào đời Nguyễn hay không?(17)
Trong Hội thảo quốc tế “Sự truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hóa Trung - Việt” do Học viện Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Thanh Hoa tổ chức từ 18 đến 21 tháng 12 - 2003 tại Thâm Quyến, trong báo cáo dựa trên tài liệu của bộ tộc phả họ Vũ Mộ Trạch về sự đóng góp to lớn của dòng họ Vũ Hồn vào quá trình truyền bá và giao lưu nêu trên, chúng tôi đã đề xuất ý kiến: “Về thân thế Vũ Hồn còn nhiều vấn đề, cũng còn không ít điểm nghi vấn khó lòng giải đáp nếu không có sự tham gia của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, đặc biệt là của các đại diện họ Vũ ở Phúc Kiến ”(18).
Chú thích:
(1) Vũ Thế Khôi: Vũ Hồn không phải là người họ Vũ đầu tiên đến Việt Nam. Kỷ yếu Thông báo Hán Nôm học 2002, Viện Nghiên cứu Hán Nôm 2003, tr..257- 268.
(2) Dòng họ Vũ - Võ ở Việt Nam xưa và nay. Vũ Đình Đức chủ biên, Nxb. Thanh Niên, 2002.
(3) Th.S Nguyễn Hữu Tâm: Đôi điều suy nghĩ xung quanh thư tịch cổ viết về Vũ Hồn. Tài liệu Hội thảo Vũ Hồn, vị Thủy tổ - Thần tổ họ Vũ ở Mộ Trạch, do Ban Liên lạc họ Vũ (Võ) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 3-8-2003. BLL họ Vũ (Võ) chế bản vi tính.
(4) Tài liệu chữ Hán này, lấy từ trên mạng vi tính, do GS. Vũ Khiêu cung cấp; nhân đây xin chân thành cảm ơn Cụ về sự chỉ bảo này.
(5) ĐVSKTT có ghi Vũ Duy Hài và Vũ Công Đạo trong danh sách sứ bộ Nguyễn Mậu Tài và Hồ Sĩ Dương sang triều cống nhà Thanh năm 1673.
(6) Dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam xưa và nay. tr.24- 25.
(7) Xem chú thích số (4).
(8) Xem chú thích số (6), tr.79-80.
(9) PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí: Tìm hiểu thêm chức phận của Kinh lược sứ Vũ Hồn. Xem chú thích số (3).
(10) Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Nxb. Giáo dục 1998, Tập I, tr.197-198.
(11) Đặng Phương Nghi: Đặng Vũ phả ký, Prolégomènes à la généalogie dès Đang Vu, Centre Internattional d’Etudes Vietnamiennes, Liège - Belgique, 1989, tr.11.
(12) Phó Đô ngự sử Trần Tiến: Niên phả lục. Nguyễn Đăng Na sưu tầm, khảo dịch, chú thích và giới thiệu. Nxb. Văn học, 2003.
(13) Đại Nam thần lục. ký hiệu A.2913, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, xem thêm chú thích (13).
(14) Mộ Trạch - làng Tiến sĩ. Vũ Huy Phú sưu tầm, biên soạn. Tăng Bá Hoành hiệu đính. - Bảo tàng Hải Dương xb 1997, tr.17.
(15) Đinh Khắc Thuân: Thần làng và việc sao lục thần tích. - Tạp chí X ưa & Nay, số 135 tháng 3-2003, tr.17.
(16) Đại Nam nhất thống chí. Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính. Nxb. Thuận Hóa 1997, Tập III, tr.376.
(17) Tài liệu dẫn ở chú thích XV, tr.16-17.
(18) Vũ Thế Khôi: Các gia tộc dòng dõi Hoa - Việt cổ đại như một nhân tố thúc đẩy truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hoá Trung - Việt. (Báo cáo khoa học tại Hội thảo quốc tế về truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hóa Trung - Việt; Thâm Quyến - Trung Quốc, 18-21/12/2003). - Kỷ yếu Hán tự truyền bá kí Trung - Việt văn hóa giao lưu quốc tế nghiên thảo hội, Thương vụ ấn quán, tr.55-56./.
Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.275- 288)




[1] Vũ Thế Khôi: Lược khảo về bản tộc phả của họ Vũ làng Mộ Trạch trong sách “Vũ tộc thế hệ sự tích”. - ĐHQGHN. Viện Việt Nam học và phát triển. Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam, NXB Thế giới 2004, tr. 51 - 53.
[2] Vũ Thế Khôi: Lai lịch và văn bản quyển phả dòng họ Tiến sĩ Vũ Tông Phan trong sách “Vũ Tông Phan với văn hóa Thăng Long - Hà Nội”. - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2001, tr. 298 - 310; nxb Lao Động & Trung tâm VHNN Đông Tây tái bản có sửa đổi, bổ sung, Hà Nội 2010, tr. 256 - 264.
[3] Căn cứ phát hiện khảo cổ học chúng tôi đã chứng minh điều này không phù hợp sự thực lịch sử. Xin tham khảo: Vũ Thế Khôi: Vũ Hồn có phải là người họ Vũ đầu tiên ở Việt Nam? – Tạp chí khoa học - Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, T. XX, số 01, 2004, tr. 30 - 35; cũng có thể tìm xem trên mạng Google, từ khóa Vũ Thế Khôi.
[4] Bản tin Khuyến học – Khuyến tài. – Hội đồng dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam, quý II – 2008, tr. 45.
[5] Tế Tiêu – một xã trong tổng Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức lân cận, thuộc tỉnh Hà Đông cũ.
[6] Đông Ngạc – một xã ở phủ Hoài Đức, cũng thuộc tỉnh Hà Đông cũ.
[7] Cùng giỗ Tổ, cùng thăm viếng một ngôi mộ Thủy tổ theo truyền thống thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam là căn cứ đủ để đồng nhất “họ”, nhưng chưa đủ để xác định “hàng”, tức chi phái, thế thứ, và chắp nối phả. Xin tham khảo: Vũ Thế Khôi: Về bộ tộc phả họVũ Mộ Trạch - Đôi điều bàn lại với ông Alain Fiorucci. – Tạp chí Xưa & Nay, số 135, tháng 3 – 2003, tr. 18 – 20.
[8] Xin lưu ý rằng tất cả các tên kiểu: Trực Hiền, Phúc Trạch, Phúc Quý, Khang Chính, Cương Chính (dành cho các cụ ông) v.v… và Từ Nhân, Từ Ý, Diệu Thanh, Diệu Nhàn v.v… (dành cho các cụ bà) thường gặp ở các vị tiên tổ xa đời trong các quyển phả cổ chỉ là các tự hiệu, hoàn toàn không phải là căn cứ đủ để đồng nhất họ hàng.
[9] Về xác định niên đại tương đối và tuyệt đối trong phả cổ xin tham khảo: Vũ Thế Khôi: Khai thác thông tin từ một quyển phả cổ. – Tham luận khoa học đọc tại Hội thảo - Giao lưu “Gia phả Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại”, Bảo tàng Dân tộc học, Hà Nội ngày 12 – 13 / 05 / 2001, in trong sách: Vũ Tông Phan với văn hóa Thăng Long - Hà Nội. – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 2001, tr. 310 - 318. 
[10] a/ Mộ Trạch, làng tiến sĩ. Vũ Huy Phú sưu tầm và biên soạn, Tăng Bá Hoành hiệu đính. – Bảo tàng Hải Dương, 1997; b/ Dòng họ Vũ (Võ) ở Việt Nam Xưa và Nay. Vũ Đình Đức chủ biên. – NXB Thanh niên, 2002.
[11] Vũ Duy Mền: Tấm bia ký lăng mộ ở Đa Căng, xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. – Thông tin dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam, số Xuân Kỷ Sửu, 6 + 7 / 2009, tr. 20 - 23.
[12] Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, cuộc đời và thơ văn. - Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội - 2001, x. các bài của GS Trần Nghĩa, GS Đinh Xuân Lâm, TS Đỗ Đức …


NHỮNG TRANG KHÁC CỦA khoahocthêky21

nhấn chuột

TÁC GIẢ THIẾT KẾVÀ BIÊN TẬP

Không có nhận xét nào: